Hỗ trợ học sinh và trường ngoài công lập: Cần sớm có chính sách riêng, đặc thù

Theo số liệu từ Sở GD-ĐT, trên địa bàn tỉnh hiện có 41 trường ngoài công lập (18 trường mầm non, 23 trường phổ thông). Sau hơn 15 năm hoạt động, mặc dù đã có bước phát triển về quy mô, chất lượng, song hệ thống trường ngoài công lập trên địa bàn tỉnh vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì thế, việc ban hành một cơ chế, chính sách riêng, đặc thù để hỗ trợ học sinh và trường ngoài công lập trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết, cấp bách.

Nhìn từ Trường THPT Thống Nhất

Trường THPT Thống Nhất (huyện Hoành Bồ) là trường ngoài công lập, hiện có 10 lớp với trên 400 học sinh, 29 cán bộ, giáo viên. Theo thầy giáo Đỗ Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Thống Nhất thì để nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường đã thường xuyên chỉ đạo các tổ bộ môn trong trường có nhiều biện pháp đổi mới phương pháp dạy và học; quan tâm tới việc giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh; duy trì và đảm bảo tốt nền nếp kỷ cương, an ninh trường học...

Học sinh Trường Đoàn Thị Điểm (TP Hạ Long) đọc sách trong thư viện của nhà trường.
Học sinh Trường Đoàn Thị Điểm (TP Hạ Long) đọc sách trong thư viện của nhà trường.

Mặc dù có nhiều cố gắng, nỗ lực như vậy, song ngôi trường ngoài công lập này vẫn đang gặp phải rất nhiều khó khăn, nhất là khâu tuyển sinh. Khu vực tuyển sinh của nhà trường gồm 3 xã Thống Nhất, Vũ Oai, Hoà Bình đều là xã miền núi, còn nhiều hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội, mặt bằng dân trí thấp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Điều này không những khiến cho chất lượng tuyển sinh đầu vào lớp 10 thấp mà còn khó khăn trong công tác xã hội hoá giáo dục. Năm học 2014-2015, nhà trường chỉ tuyển được gần 150 học sinh (thấp hơn năm học trước khoảng 30 học sinh). Cán bộ, giáo viên trong trường có tuổi đời, tuổi nghề còn khá trẻ, kinh nghiệm quản lý, giảng dạy chưa nhiều. Cơ sở vật chất của nhà trường còn rất nhiều thiếu thốn, nhất là về trang thiết bị dạy học, trang thiết bị phục vụ công tác đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng CNTT.

Cần sớm tháo gỡ khó khăn

Không riêng Trường THPT Thống Nhất, nhiều trường ngoài công lập trong tỉnh, như: THPT Trần Khánh Dư (huyện Vân Đồn); THPT Nguyễn Du (huyện Hải Hà); THCS&THPT Trần Nhân Tông (TX Đông Triều); THPT Lê Lợi (huyện Đầm Hà)... cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, giảng dạy (chất lượng dạy và học; cơ sở vật chất; kinh phí hoạt động; tuyển sinh đầu vào v.v..).

Theo số liệu từ Sở GD-ĐT, năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 14.064 học sinh phổ thông ngoài công lập, trong đó cấp THPT là 12.146 học sinh, chiếm 32,7% tổng số học sinh THPT toàn tỉnh; 12.807 trẻ mầm non tư thục, chiếm 20,1% trẻ đang học mầm non trong tỉnh.

Thực tế, do chất lượng giáo dục và các điều kiện đảm bảo chất lượng ở phần lớn các cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập còn hạn chế, nên việc học tập tại đây chưa thực sự là lựa chọn của học sinh với mong muốn được hưởng thụ dịch vụ giáo dục chất lượng cao. Thêm nữa, học sinh phổ thông ngoài công lập phải nộp học phí theo quy định từ 600.000-800.000 đồng/tháng/học sinh; trong khi học sinh phổ thông công lập chỉ phải nộp học phí từ 15.000-100.000 đồng/tháng/học sinh. Mức học phí chênh lệch đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa học sinh, gia đình học sinh công lập và ngoài công lập. Mặc dù, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết (số 99/2013/NQ-HĐND) về việc hỗ trợ học phí cho học sinh là con của người có công với nước, đối tượng chính sách đang học phổ thông ngoài công lập, với mức hỗ trợ 40% mức lương cơ sở/tháng/học sinh; tuy nhiên, số đối tượng được hưởng chỉ chiếm 3,8% số học sinh phổ thông ngoài công lập. Như vậy, một bộ phận không nhỏ học sinh ngoài công lập cũng rất khó khăn, không thuộc diện đối tượng này, đang chật vật để trang trải cho những khoản học phí, chi phí học tập.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, Sở GD-ĐT đang tham mưu với UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ học sinh và trường ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Theo dự thảo tờ trình HĐND vào tháng 5-2015, học sinh phổ thông được trường ngoài công lập đào tạo theo yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh (gọi là học sinh đào tạo theo yêu cầu) được hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ và nộp học phí theo quy định như đối với học sinh trường phổ thông công lập cùng cấp học trên địa bàn. Học sinh phổ thông đang học tại các trường ngoài công lập trên địa bàn tỉnh (trừ học sinh đào tạo theo yêu cầu) được hỗ trợ tiền bằng 10% mức lương cơ sở/tháng/học sinh (không quá 9 tháng/năm học). Trường ngoài công lập có học sinh đào tạo theo yêu cầu, được hỗ trợ chi phí đào tạo theo yêu cầu cho mỗi học sinh bằng 10,8 lần mức lương cơ sở.

Mặc dù, dự thảo tờ trình còn phải sửa đổi, đóng góp ý kiến của các sở, ban, ngành liên quan, nhưng tiếp tục cho thấy sự quan tâm của tỉnh đối với hệ thống giáo dục ngoài công lập. Với việc chính sách hỗ trợ học sinh và trường ngoài công lập trên địa bàn tỉnh sớm được triển khai sẽ góp phần giải quyết những khó khăn cơ bản của giáo dục ngoài công lập.

Lan Anh

Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Quảng cáo, liên kết