Hỗ trợ phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS: "Chìa khoá" nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Mặc dù được đánh giá là có nhiều chuyển biến tích cực, song công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS tại Quảng Ninh vẫn còn nhiều hạn chế. Để “bức tranh” phân luồng trở nên khởi sắc, trên cơ sở tham mưu của ngành GD-ĐT tỉnh, hiện, UBND tỉnh đang tích cực xây dựng thêm một số cơ chế, chính sách đặc thù, riêng có để có thể trình lên HĐND tỉnh trong kỳ họp sắp tới.

Giờ thực hành môn Hoá của học sinh lớp 10A3, Trường THPT Bãi Cháy.
Giờ thực hành môn Hoá của học sinh lớp 10A3, Trường THPT Bãi Cháy.

Từ những tồn tại, bất cập

Theo đồng chí Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở GD-ĐT, thì phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS là việc lựa chọn, sắp xếp mang tính xã hội để học sinh tiếp tục được học theo những nhu cầu và ngành học khác nhau. Mục tiêu của phân luồng là nhằm phát huy tốt nhất khả năng, hoàn cảnh, điều kiện của người học. Những năm qua, bên cạnh thực hiện giảm 50% học phí cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS đi học trung cấp nghề hoặc trung cấp chuyên nghiệp (theo quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP), tỉnh cũng có một số cơ chế, chính sách riêng hỗ trợ phân luồng. Cụ thể như: Không tuyển sinh đối tượng độ tuổi THPT vào học lớp 10 chương trình GDTX tại các Trung tâm HN&GDTX nếu không kết hợp với học các chương trình đào tạo nghề nghiệp; trợ cấp 140.000 đồng/tháng/học sinh các xã trong danh mục đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn tốt nghiệp THCS vào học các lớp bổ túc THPT kết hợp với học nghề tại các trường, trung tâm dạy nghề hoặc vào học các trường trung cấp chuyên nghiệp; hỗ trợ tiền ăn bán trú bằng 40% mức lương cơ sở/tháng/đối tượng học trung cấp nghề, học văn hoá THPT kết hợp với học nghề tại các cơ sở giáo dục.

Dù đã được quan tâm, song kết quả phân luồng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đạt yêu cầu cả về số lượng, chất lượng, khoảng cách còn xa so với chỉ tiêu của quốc gia đến năm 2020. Theo Sở GD-ĐT, kết quả phân luồng năm học 2014-2015 như sau: Luồng 1, có 83,7% số học sinh sau tốt nghiệp THCS học tiếp THPT (chỉ tiêu quốc gia là 70%); trong khi đó, hằng năm chỉ có khoảng 50% số lượng học sinh này thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Luồng 2, có 10,4% học sinh sau tốt nghiệp THCS được học các chương trình đào tạo nghề nghiệp (chỉ tiêu quốc gia là 30%); trong đó, chỉ có 1,9% học sinh là những đối tượng thực sự có nguyện vọng được đào tạo để tham gia thị trường lao động, 8,5% còn lại lựa chọn đào tạo nghề nghiệp chỉ là một điều kiện để được học văn hoá. Luồng 3, có 5,9% số học sinh tốt nghiệp THCS tham gia ngay thị trường lao động mà không được học các chương trình đào tạo nghề nghiệp hoặc đào tạo sau đó theo hình thức vừa làm, vừa học (chỉ tiêu quốc gia là 0%). Đồng chí Vũ Liên Oanh cho biết thêm: “Một trong những nguyên nhân của tồn tại này là các cơ chế, chính sách hỗ trợ phân luồng chưa có sự đột phá để nâng cao kết quả phân luồng cả về số lượng và chất lượng”.

Để tạo đột phá

Để giải quyết, tháo gỡ những yếu kém, bất cập, khó khăn trên, việc ban hành những chính sách hỗ trợ phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh một cách hệ thống, khoa học là hết sức cần thiết, cấp bách. Hiện UBND tỉnh đang tích cực xây dựng tờ trình HĐND tỉnh về việc quy định một số chính sách hỗ trợ phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Đối tượng được hỗ trợ dự kiến bao gồm: Học sinh tốt nghiệp THCS tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh trong thời gian 3 năm kể từ ngày tốt nghiệp đi học các chương trình đào tạo nghề nghiệp theo hình thức đào tạo chính quy; người lao động là học sinh phân luồng đã hoàn thành chương trình đào tạo nghề nghiệp; doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại... trên địa bàn tỉnh có thuê mướn người lao động sau phân luồng theo hợp đồng lao động; tạo việc làm ổn định, liên tục trong thời gian ít nhất 3 năm và nộp đầy đủ BHXH cho người lao động.

Đáng chú ý: Hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh phân luồng đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc tại cơ sở GDTX mà không kết hợp với học THPT (bằng 0,4 lần mức lương cơ sở/học sinh/tháng). Hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh phân luồng có hộ khẩu thường trú ở các xã trong danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, đang kết hợp với học THPT tại các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở GDTX (bằng 0,1 lần mức lương cơ sở/học sinh, học viên/tháng). Hỗ trợ lãi suất vay vốn cho người lao động sau phân luồng (là học sinh phân luồng đã hoàn thành chương trình đào tạo nghề nghiệp) thành lập mới hoặc mở rộng cơ sở sản xuất, dịch vụ để tự tạo việc làm (6%/năm/số dư nợ thực tế; hạn mức số dư nợ được hỗ trợ lãi suất không quá 1 tỷ đồng). Hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết việc làm cho người lao động sau phân luồng (bằng 50% tiền lương chi trả cho người lao động sau phân luồng trong năm thứ 3 theo hợp đồng lao đồng nhưng không quá 6 lần mức lương tối thiểu vùng). Nguồn kinh phí dự kiến thực hiện những chính sách này lên tới trên 196 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 1-8-2015 đến ngày 31-12-2020.

Mặc dù còn phải tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện, nhưng rõ ràng, việc xây dựng những chính sách trên đã thể hiện sự quyết tâm của tỉnh nhằm tạo sự đột phá trong công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS. Khi những chính sách này được thông qua, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh sẽ được nâng cao, đáp ứng hiệu quả nhu cầu của xã hội.

Lan Anh

Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Quảng cáo, liên kết